Skip to main content

Tháng 7 năm 2007 Tiểu hành tinh Hieizan

Vài ngày trước, tiểu hành tinh (8579) đã được đặt tên là Hieizan.Hiện nay, có 160.000 tiểu hành tinh đã được đăng ký, nhiều hành tinh trong số đó quay theo quỹ đạo ở giữa sao Hỏa và sao Mộc, nhưng phân bố rộng khắp hệ mặt trời. Tiểu hành tinh (8579) được Takao Kobayashi, một nhà thiên văn học nghiệp dư nhiệt huyết của tỉnh Gunma phát hiện vào tháng 12 năm 1996. Đến nay, các tiểu hành tinh được đặt tên theo địa danh của Kyoto gồm có bắt đầu là (4352) Kyoto, (5240) Kwasan = đài thiên văn Kasan, (572) Nijo = thành Nijo, (10143) Kamogawa = sông Kamo, vv. Vì việc đặt tên cho tiểu hành tinh sẽ do người phát hiện yêu cầu với Trung tâm Tiểu hành tinh của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế, với mong muốn tên núi Hiei được đăng ký trên vũ trụ, mọi người đã thỉnh cầu ông Kobayashi đặt tên cho tiểu hành tinh là Hieizan và kết quả là được ông vui vẻ nhận lời. Khoảng cách từ mặt trời đến hành tinh này là khoảng 300 triệu km, chu kỳ quỹ đạo là khoảng 4 năm, kích thước chưa rõ nhưng chắc hẳn là khoảng 10 km.

Núi Hiei như chúng ta vẫn biết là một ngọn núi tuyệt đẹp nằm ở phía Đông Bắc Kyoto và phía Tây của hồ Biwa. Từ đỉnh cao nhất ở độ cao 848m so với mực nước biển, bạn có thể nhìn thấy cả Kyoto và hồ Biwa, nơi đây cũng là thiên đường của các loài chim và khỉ hoang dã. Ngoài ra, núi Hiei cũng đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Chùa Enryaku-ji nằm trên đỉnh núi được thành lập bởi Saicho vào năm Enryaku thứ 7 (năm 788), từng rất hưng thịnh vì là ngôi chùa trấn giữ quốc gia, bảo vệ quỷ môn (phía Đông Bắc) của Heian-kyo, là nơi tín đạo của Kuge - quý tộc triều đình. Sakamoto ở dưới chân núi phía Đông (thành phố Otsu) từng rất thịnh vượng vì là thị trấn nằm trước quỷ môn. Ngôi chùa trên núi này là của phái Tendai-shu (Thiên Thai tông), nhưng còn có cả thiền và niệm phật, nói cách khác là nơi đây giống như một đại học tổng hợp về Phật giáo, các nhà sư Honen, Shinran, Dogen, Nichiren cũng đã từng học ở đây khi còn trẻ. Chùa đã từng bị Yoshinori Ashikaga đốt phá vào năm Eikyo thứ 7 (năm 1435), và Oda Nobunaga đốt phá vào năm Genki thứ 2 (năm 1571), kiến trúc hiện tại của chùa là được xây dựng lại vào thời kì Edo. Núi Hiei lưu giữ nhiều quốc bảo và tài sản văn hóa quan trọng, xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm văn học và nghệ thuật, đóng một vai trò to lớn không chỉ trong Phật giáo mà còn trong lịch sử và văn hóa của Nhật Bản.

  Tôi từng muốn chụp hình ảnh 36 đỉnh núi của dãy phía Đông nối liền nhau, nhưng cuối cùng lại quyết định chụp núi Hiei nhìn từ phía chính Đông ở khu Takaragaike, quận Sakyo. Hình vẽ quỹ đạo chồng lên nhau cho thấy vị trí vào ngày 10 tháng 6 năm 2007 là mặt trời ở trung tâm, tính từ trong ra ngoài là sao Thủy, sao Kim, Trái Đất, sao Hỏa, Hieizan, sao Mộc, sao Thổ.

Tiểu hành tinh Hieizan và núi Hiei trong thực tế

Nhân tiện, 8 hành tinh từ sao Thủy cho đến sao Hải Vương và 160.000 tiểu hành tinh tất cả đều quay theo quỹ đạo hình elip hơi dẹt và ngược chiều kim đồng hồ. Chu kỳ quỹ đạo của chúng chỉ được quyết định bằng khoảng cách từ mặt trời, và vị trí của chúng trong một thời điểm nào đó có thể được dự đoán chính xác. Liệu những thiên thể này đang chuyển động theo quy tắc nào? Khoảng 400 năm trước, Kepler đã cẩn thận chỉnh lý lượng dữ liệu quan trắc khổng lồ cho đến thời điểm đó và tìm ra được tính quy tắc nhất định. Ngày nay, quy tắc này được gọi là "Định luật Kepler". Sau đó, định luật này được Newton công thức hóa thành một phương trình vi phân có bao gồm lực vạn vật hấp dẫn, và người ta thấy rằng việc giải phương trình vi phân này có thể giúp dự đoán vị trí và cả chuyển động của các hành tinh trong bất kỳ ngày giờ nào. Chuyển động của hành tinh có thể được làm sáng tỏ mà không cần mượn sức mạnh siêu nhiên.   Đôi khi tôi nghe được người ta nói rằng các hiện tượng xã hội không thể đơn giản như hiện tượng tự nhiên được, nhưng bản thân tôi lại hoàn toàn không nghĩ như vậy. Tôi hi vọng rằng một ngày nào đó trong tương lai, ngày mà mọi người nghĩ rằng hiện tượng cuộc sống hay hiện tượng xã hội đều có thể được lý giải bằng những quy tắc đơn giản đến không ngờ sẽ đến. Bởi lẽ chúng ta đang sống trong thời đại mà chúng ta có thể tùy ý sử dụng các công cụ ưu việt hơn hẳn so với các nhà thiên văn học vĩ đại trong quá khứ.

Kazuyuki Sakka