Akihiro Hada
Hướng tới thời đại mới
Tháng 2 năm 2017, Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Tổng hợp của công ty TNHH Nihon Unisys đã ký “Hiệp định về hợp tác đào tạo với doanh nghiệp” với Trường Sau Đại học Công nghệ Thông tin Kyoto (KCGI) và trường cùng tập đoàn là Học viện Máy tính Kyoto (KCG), qua đó thành lập “Phòng thí nghiệm kỹ thuật tương lai”.Đây là một môi trường hợp tác giữa công nghiệp và học thuật, nơi các nghiên cứu viên của Nihon Unisys sẽ định kỳ đến ở lại trường, cùng với các học viên làm những dự án chung. Trong thời đại IT phát triển từng phút từng giây như ngày nay, người ta cần đến những cải tiến áp dụng được cho mọi ngành nghề, mọi trạng thái công việc. Chìa khóa cho khả năng áp dụng phổ quát đó là một tính tự lập mới trong mỗi công nghệ, và để đúc ra được chiếc chìa khóa ấy, quan trọng là các chủ thể kinh tế là những doanh nghiệp và chủ thể xã hội là những cơ sở giáo dục cần phải liên kết chặt chẽ với nhau.
“Cách tốt nhất để dự đoán được tương lai là phát minh ra nó”, Alan Kay – cha đẻ của câu nói nổi tiếng này – vào năm 1984 đã chỉ ra mối quan hệ giữa máy tính - điện toán - phần mềm bằng cách ví với nhạc cụ - âm nhạc - nhạc phổ, lấy cảm hứng từ câu nói của Leonardo da Vinci - “Âm nhạc mang lại hình dáng cho những thứ không nhìn thấy được”, qua đó đặt nền tảng lý luận cho giáo dục về máy tính. Xét lịch sử của âm nhạc, từ thời kỳ mà bản thân việc biểu diễn bằng các nhạc cụ chính là tác phẩm, từ khoảng thế kỷ 18 - 19, trọng điểm của âm nhạc phương Tây đã chuyển sang việc làm người nghe nhạc cảm thấy xúc động, còn tác phẩm là tổng phổ chính xác viết ra để nhạc trưởng và các nhạc công biểu diễn. Theo phép ẩn dụ của Alan Kay, ta có thể tưởng tượng rằng điện toán của thế kỷ 21 là âm nhạc, tổng phổ là cách mà máy móc tự chủ, tổ chức và con người hoạt động cùng nhau, tổng phổ này được người soạn nhạc viết ra và được biểu diễn trong thực tế. Nói cách khác, thời đại này cần những người soạn nhạc có tính tự chủ mới, viết ra được nhạc phổ mà cả con người và những thứ con người tạo ra đều có thể hiểu được. Ở phòng thí nghiệm này chúng tôi đang mơ đến những dự án chung như Local Gate - tìm ra những vấn đề của xã hội và cộng đồng và cách giải quyết chúng từ dữ liệu, Inner Gate - tạo ra nhiều kịch bản vượt lên khỏi trải nghiệm và tri thức cá nhân của mỗi người, và Future Gate - xây dựng bản mẫu của môi trường tương lai mà chúng tôi tưởng tượng ra.
“Phòng thí nghiệm kỹ thuật tương lai” được kỳ vọng sẽ trở thành nơi sản sinh ra những phát kiến và ý tưởng có thể dẫn đến đổi mới. Những nghiên cứu viên ở Nihon Unisys có kinh nghiệm và tri thức hàng đầu, còn học viên thì có những ý tưởng mới, khi họ lên kế hoạch - nghiên cứu cùng nhau thì có thể sinh ra được những cách ứng dụng IT mới. Và những dự án chung này chắc chắn sẽ sinh ra nhiều nhân tài có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực, mang trong mình nhiều khả năng phát triển khác nhau. Nihon Unisys, Trường Sau Đại học Công nghệ Thông tin Kyoto và Học viện Máy tính Kyoto đang sánh bước cùng nhau để mở ra một tương lai mới cho xã hội IT.
Giáo sư Tanaka Hisaya
- Cựu Trưởng ban / Tổng điều hành Ban Đào tạo Nhân lực IT của Cơ chế Xúc tiến Xử lý Thông tin, Giáo viên cấp cao Hiệp hội Đào tạo Kỹ thuật Nhật Bản (JSEE)
- Cựu nhân viên công ty Cổ phần Fujitsu
Hình tượng nhân lực IT được kỳ vọng trở thành
〜Rèn luyện cá tính bản thân nhằm trở thành nhân lực IT có thể phát huy năng lực trong cộng đồng đa dạng những cá tính 〜
IT đã và đang làm cho cuộc sống của chúng ta ngày một tiện lợi hơn, nó được lắp đặt trong các sản phẩm thường ngày như ô tô, đồ điện gia dụng, còn mở đường cho các dịch vụ thương mại điện tử, các công cụ giao tiếp như smartphone và mạng xã hội phát triển.Trong số đó, mạng xã hội là phương tiện đầu tiên trong lịch sử nhân loại cho phép người ta liên lạc với mọi người trên toàn thế giới, kể cả những người mình không quen biết. Đến thời điểm này, IT đã trở thành suối nguồn của sự cải tiến (innovation) trong mọi lĩnh vực đời sống.Toàn thế giới đang kỳ vọng IT sẽ trở thành phương tiện giải quyết những vấn đề trong chính trị, kinh tế, năng lượng, lương thực, y tế và sức khỏe xã hội, là những vấn đề mà thế giới và nhân loại đang gặp phải. Và nhân lực IT trên toàn thế giới được kỳ vọng sẽ đem lại những đổi mới giúp giải quyết các vấn đề ấy.
Mô hình kinh doanh của ngành IT ở Nhật Bản cũng đang đứng trước một điểm đổi thay lớn.Từ trước đến nay, một phần lớn của ngành IT Nhật Bản là các đơn phát triển hệ thống cho khách hàng.Người đưa ra yêu cầu và người phát triển là hai hướng khác nhau, người phát triển phải đáp ứng điều kiện trước nhất là đảm bảo chất lượng, chi phí và thời gian nộp sản phẩm, còn tính sáng tạo trong nhiều trường hợp chỉ là thứ yếu.Nhưng trong vài năm trở lại đây, nhu cầu của các doanh nghiệp đặt hàng đã thay đổi.Họ không muốn hệ thống được phát triển đơn lẻ nữa, mà cần dịch vụ được bên kia cung cấp.Đến lúc này thì phía cung cấp dịch vụ lại đặc biệt cần đến tính sáng tạo, tính độc đáo.Vậy nhân lực IT sẽ phải như thế nào để có được tính sáng tạo, tính độc đáo, để có thể mang đến những đổi mới?Họ sẽ cần năng lực như thế nào?
Từ trước đến nay, công nghiệp và kỹ thuật đã luôn phát triển trong bộ khung giới hạn của các quốc gia, các công ty.Nhưng IT lại có khả năng vượt ra khỏi những bộ khung và ranh giới trong mỗi doanh nghiệp và địa phương, tạo ra cộng đồng không biên giới, sinh ra những kỹ thuật và ngành công nghiệp mới.Để làm việc trong môi trường, cộng đồng không biên giới luôn sinh ra những kỹ thuật và công nghiệp mới này, mỗi người đều cần có cá tính, hay bản sắc riêng.Người ta cần phải nói được trong một câu ngắn gọn, “Mình giỏi về cái gì?”.Người ta cần khẳng định bản thân không phải bằng ngành nghề hay tổ chức mình thuộc về, mà bằng niềm tin, giá trị quan, đam mê, kỹ thuật và giá trị gia tăng mà mình đem lại được.
Cần phải xuất sắc trong một nghề nào đó.Nghề đó có thể liên quan đến một lĩnh vực của IT, như là cơ sở dữ liệu, mạng, bảo mật, hoặc nằm trong lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, vẽ tranh, văn chương, cũng có thể lại thuộc về marketing, quản lý sản xuất, kế toán, quản lý nhân sự.Việc có một tài năng chuyên ngành nào đó là rất quan trọng, để được cần đến trong cộng đồng đa dạng những cá tính.
Ngoài ra, để khẳng định cá tính bản thân, tư thế khiêm nhường sẵn sàng hiểu và chấp nhận những suy nghĩ khác biệt của đối phương, truyền đạt tư tưởng của mình, năng lực sáng tạo và truyền tải thông tin để cùng nhau làm ra một thứ gì đó mới đều là những tố chất rất quan trọng.
Bản thân tôi cũng đã tham gia vào việc lên kế hoạch và phổ cập những dịch vụ và sản phẩm mới trong các ngành công nghiệp khác nhau.Những cải tiến tuyệt đối không phải là thứ mà chỉ có thiên tài mới tạo ra được.Ở Nhật Bản từ xưa đã có một câu thành ngữ, "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao."Những con người mang cá tính riêng nếu cùng nhau thể hiện tri thức của mình, thì có thể làm được những điều to lớn.Trong cộng đồng đa dạng những cá tính này, những nhân lực IT chăm chỉ rèn luyện bản sắc cá nhân, phát huy được năng lực của mình luôn luôn được đón nhận.